Cuộc đời Juana Inés de la Cruz

Thiếu thời

Hacienda Panoaya, ở Amecameca, Mexico là nơi Sơ Juana sống từ năm 1651 đến 1656.

Juana Inés de Asbaje y Ramírez de Santillana sinh ra ở San Miguel Nepantla (nay gọi là Nepantla de Sor Juana Inés de la Cruz để vinh danh bà) gần Mexico City. Bà là con ngoài giá thú của một thuyền trưởng người Tây Ban Nha, Pedro Manuel de Asbaje, và một phụ nữ Criollo, Isabel Ramírez. Do có nguồn gốc Tây Ban Nha và sinh ra ở Mexico, Juana được coi là một người Criollo (người Mỹ Latin gốc Tây Ban Nha thời thuộc địa).[10] Juana được rửa tội vào ngày 2 tháng 12 năm 1651.[11] Mặc dù thiếu vắng người cha, tuy nhiên, nhờ có ông ngoại là một chủ đồn điền ở Amecameca, Juana có thể sống một cuộc sống thoải mái. Bà đã dành những năm đầu đời sống với mẹ trong dinh thự Panoaya của ông ngoại.[12]

Suốt thời thơ ấu, Juana thường trốn trong nhà nguyện Hacienda để đọc sách trong thư viện của ông ngoại, một điều cấm kị đối với các cô gái. Khi lên ba, Juana đã học đọc và viết tiếng Latin. Đến năm năm tuổi, bà đã biết làm kế toán. Năm tám tuổi, bà sáng tác một bài thơ về Bí tích Thánh Thể.[13] Đến tuổi thiếu niên, Juana đã thành thạo luận lý học Hy Lạp, và ở tuổi mười ba, bà bắt đầu dạy tiếng Latin cho trẻ nhỏ. Bà cũng học cả ngôn ngữ Nahuatl của Aztec và viết một số bài thơ ngắn bằng ngôn ngữ này.[12]

Sor Juana, tác giả Juan de Miranda (k. 1680).

Năm 1664, ở tuổi 16, Juana được gửi đến sống ở Mexico City. Bà đã xin mẹ cho phép cải trang thành một sinh viên nam để có thể đi học đại học ở đó. Mẹ bà không đồng ý nên Juana tiếp tục việc học ở nhà. Bà trở thành nữ quan trong triều đình của phó vương thuộc địa, dưới sự giám hộ của Phó vương hậu Leonor Carreto, vợ của Phó vương Tân Tây Ban Nha Antonio Sebastián de Toledo. Phó vương, Hầu tước de Mancera muốn kiểm tra học vấn và trí tuệ của cô gái 17 tuổi nên đã mời một số nhà thần học, thẩm phán, triết gia và nhà thơ đến một cuộc hội họp, và để cho bà phải trả lời nhiều câu hỏi khi chưa được chuẩn bị và giải thích nhiều luận điểm khó về các chủ đề khoa học và văn học khác nhau. Cách thức bà ứng đối đã làm kinh ngạc tất cả khách khứa và khiến bà nổi danh trong giới tinh hoa. Các tác phẩm thơ ca của bà trở nên nức tiếng khắp xứ Tân Tây Ban Nha. Bà trở thành một trong những người được ngưỡng mộ nhất tại triều đình phó vương, và nhận được nhiều lời cầu hôn, nhưng bà đã từ chối tất cả.[13]

Khi trở thành nữ tu

Năm 1667, bà trở thành thỉnh sinh ở Tu viện Thánh Giuse của các nữ tu dòng Camelite-Đi-chân-trần trong một vài tháng. Sau đó, vào năm 1669, bà gia nhập tu viện của các nữ tu Hieronymite, nơi có nội quy thoải mái hơn. Bà đã chọn trở thành một nữ tu để có thể tiếp tục sự nghiệp học hành mà vẫn nhận được sự tôn trọng trong xã hội với tư cách là một phụ nữ, bởi vì bà "không muốn để một sự nghiệp cố định nào hạn chế sự tự do học tập của tôi."[14]

Sơ Juana Inés de la Cruz, vẽ bởi Friar Miguel de Herrera (1700-1789),

Khi ở tu viện và có lẽ là từ trước đó, Sơ Juana đã có mối quan hề thân thiết với học giả cùng thời, Don Carlos de Sigüenza y Góngora, người thường đến thăm bà tại cư xá của tu viện.[8] Bà ở tại Tu viện Santa Paula Dòng Hieronymite ở Mexico City từ năm 1669 cho đến khi chết, và tại đó bà nghiên cứu, viết và thu thập một thư viện sách lớn. Phó vương và Phó vương hậu Tân Tây Ban Nha trở thành người bảo trợ của bà; họ trợ giúp bà và đưa các tác phẩm của bà xuất bản ở Tây Ban Nha.[14] Bà đề tặng một số bài thơ của mình lên các bức tranh của người bạn và người bảo trợ của bà, Phó vương hậu María Luisa Manrique de Lara y Gonzaga, con gái của Vespasiano Gonzaga, Công tước Guastala, Luzara e Rechiolo và Inés María Manrique, Nữ bá tước thứ 9 của Paredes, mà bà nhắc đến như là Lísida.

Vào tháng 11 năm 1690, giám mục của Puebla, Manuel Fernández de Santa Cruz đã xuất bản, dưới bút danh của Sơ Filotea và không có sự cho phép của bà, bài phê bình của Sơ Juana về một bài giảng 40 năm trước của Cha António Vieira, một giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha.[6] Mặc dù chưa rõ ý định của Sơ Juana trong tác phẩm này, được gọi là Carta Atenagórica, nhiều học giả đã nhìn nhận tác phẩm như là một thách thức đối với tính gia trưởng của chính quyền tôn giáo.[15] Cùng với Carta Atenagórica, giám mục cũng công bố bức thư riêng gửi đến Sơ Juana để khuyên bà nên tập trung vào tôn giáo thay vì nghiên cứu các vấn đề thế tục.[14] Trong khi ông đồng ý với những phê bình của bà và sử dụng đó làm lợi thế trong cuộc cạnh tranh với giáo sĩ António Vieira, ông vẫn tin rằng một người phụ nữ như bà thì nên dành thời gian để cầu nguyện và từ bỏ việc viết lách.[16]

Tranh ở tu viện Santa Paula (Sevilla)

Đáp lại những lời chỉ trích, Sơ Juana đã viết một bức thư, Respuesta a Sor Filotea de la Cruz (Trả lời chị Philotea),[17] trong đó bà bảo vệ quyền được giáo dục chính quy của phụ nữ.[18] Bà cũng ủng hộ quyền của phụ nữ được tham gia và đối xử như là những người có thẩm quyền trí thức, không chỉ thông qua việc viết lách, mà còn qua việc xuất bản các tác phẩm của mình. Sơ Juana lập luận, bằng cách đặt phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, vào các vị trí có thẩm quyền, phụ nữ có thể giáo dục những người phụ nữ khác. Điều này có thể giúp giảm thiểu các tình huống nhạy cảm liên quan đến các giáo viên nam trong các môi trường gần gũi với các nữ sinh viên trẻ.[19]

Bên cạnh việc tự nhận là một người phụ nữ có thẩm quyền trí thức, những quan điểm cấp tiến của Sơ Juana khiến bà trở thành một nhân vật gây tranh cãi. Bà đã đáp trả một nhà thơ xứ Aragon bằng việc phỏng theo Thánh Teresa của Ávila: "Người ta hoàn toàn có thể vừa lý luận ra trò lại vừa nấu bữa ăn tối."[20] Đáp lại, Francisco de Aguiar y Seijas, Tổng giám mục Mexico đã cùng các chức sắc cấp cao khác lên án "sự bướng bỉnh" của Sơ Juana. Ngoài việc bị phản đối vì đã thách thức thứ bậc gia trưởng của Giáo hội Công giáo, Sơ Juana đã nhiều lần bị chỉ trích vì niềm tin rằng các bài viết của bà cũng giúp ích cho cộng đồng như những công việc từ thiện khác.[18]

Đến năm 1693, bà dường như đã ngừng viết bởi vì các rào cản về kiểm duyệt. Tuy không có bằng chứng xác đáng cho thấy bà từ bỏ nhiệt huyết đối với học thuật, nhưng có những tài liệu cho thấy bà đồng ý thực hành sám hối.[7] Tên của bà được gắn với một văn bản như vậy viết vào năm 1694, nhưng trái với chất trữ tình tự nhiên sâu sắc vốn có của bà, giọng điệu trong các bài sám hối viết tay được rập khuôn theo thể thức Giáo hội. Bà đã kí tên bên dưới một bài sám hối là "Yo, la Peor de Todas" ("Tôi, Kẻ Tồi tệ nhất trong Tất cả"), bằng máu của chính mình.[21] Bà được cho là đã bán hết bộ sưu tập hơn 4.000 cuốn sách trong thư viện của mình,[13] cùng với tất cả các công cụ khoa học và nhạc cụ. Một số nguồn khác ghi rằng sự chống đối của bà đối với nhà thờ dẫn đến việc tất cả các sách và dụng cụ của bà bị tịch thu mặc dù chính giám mục cũng đồng ý với nội dung các bức thư của bà.[22]

Trong số hơn một trăm tác phẩm chưa được công bố,[23] chỉ có một vài tác phẩm của bà còn tồn tại. Theo Octavio Paz, các tác phẩm của bà đã được lưu giữ bởi Phó vương hậu.[24]

Bà qua đời sau khi chăm sóc cho các nữ tu khác mắc bệnh trong một bệnh dịch, vào ngày 17 tháng 4 năm 1695. Sigüenza y Góngora đã đọc điếu văn trong tang lễ của bà.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Juana Inés de la Cruz http://www.biography.com/people/sor-juana-in%C3%A9... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/1072584/... http://cdmxtravel.com/en/attractions/claustro-de-s... http://www.mexonline.com/history-sorjuana.htm http://www.ub.uni-bielefeld.de/diglib/delacruz/fam... http://www.dartmouth.edu/~sorjuana http://www.dartmouth.edu/~sorjuana/ http://sonnets.spanish.sbc.edu/SorJuana.html http://edsitement.neh.gov/lesson-plan/sor-juana-la... http://www.ucsj.edu.mx